TẬP ĐOÀN VIETRAVEL THAM GIA ĐỀ XUẤT Ý KIẾN TRONG HỘI NGHỊ THỦ TƯỚNG VỚI DOANH NGHIỆP
Sáng ngày 11/08/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ và các doanh nghiệp với chủ đề "Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững". Tham gia đề xuất, kiến nghị giải pháp từ các doanh nghiệp lĩnh vực hàng không - lữ hành, Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị tập đoàn Vietravel đã tham dự.
Hội nghị là cơ hội để các doanh nghiệp đa ngành cùng góp tiếng nói chung cho sự phát triển trong thời kỳ đổi mới, phục hồi lại sau đại dịch với nhiều thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, nhiều ý tưởng, giải pháp đã được bàn thảo, hiến kế cho Chính phủ nhằm tìm ra giải pháp ứng phó với dịch bệnh, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh. Thủ tướng mong muốn và tin tưởng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ngày càng bản lĩnh, lớn mạnh, cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao gắn với tích cực, chủ động hội nhập sâu rộng. Lắng nghe các ý kiến phát biểu, phản ánh tại Hội nghị, Thủ tướng khái quát, chia sẻ thêm về những nhóm khó khăn, thách thức chính mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt cũng như đồng tình với các giải pháp trong thời gian tới được nêu trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các ý kiến của các bộ, ngành, địa phương.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Kỳ đã nêu ra những khó khăn mà ngành dịch vụ nói chung cũng như ngành hàng không - lữ hành nói riêng đang phải đối mặt. Một số vấn đề chính được nêu như: sự thiếu hụt về lao động, nguồn cung ứng về dịch vụ, tài chính là những rào cản khiến doanh nghiệp trong lĩnh vực này “trăn trở” tìm giải pháp vượt qua.
“Chúng tôi xin cảm ơn Chính phủ đã mở cửa sớm cho ngành du lịch để kịp thời triển khai được thị trường. Du lịch đã có sự hồi phục rất tốt với thị trường trong nước cũng như thị trường nước ngoài. Đối với riêng thị trường du lịch trong nước, chúng tôi đã phục hồi được 130% thị phần, đạt doanh thu bằng trước dịch. Đây là sự kỳ diệu so với giờ này năm ngoái. Chúng tôi cũng cảm ơn các địa phương, các bộ ngành đã liên tục có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp du lịch” – Ông Nguyễn Quốc Kỳ chia sẻ.
Với quy mô hoạt động của Vietravel gồm 40 văn phòng trong nước và 6 văn phòng tại nước ngoài, phục vụ khoảng 1 triệu khách/năm với doanh thu 7.500 tỷ trước dịch thì trong dịch, Vietravel gần như "đứng hoàn toàn". Nhưng đến nay, sau 6 tháng mở cửa, Vietravel đã phục hồi. Bên cạnh những thuận lợi, ông Nguyễn Quốc Kỳ đồng thời nêu những khó khăn, đó cũng là khó khăn chung của ngành du lịch.
“Thứ nhất, chỉ tiêu 5 triệu khách trong năm nay khó khả thi do thị trường nguồn của chúng ta chưa mở cửa. Thị trường Đông Bắc Á chiếm trên 50% du khách đến Việt Nam hiện nay là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… vẫn chưa sẵn sàng mở cửa. Do đó, với 18 triệu lượt khách trong năm 2019, năm nay dự kiến chỉ khoảng 60% lượng khách về đây, khả năng phấn đấu đặt ra 5 triệu lượt khách vẫn còn cao. So với Singapore đặt ra 2,34 triệu, Thái Lan đặt ra 5,6 triệu, Malaysia đặt ra 3,4 triệu thì rõ ràng chúng ta đặt mục tiêu 5 triệu lượt khách là rất cao trong bối cảnh thị trường đang khó khăn; đặc biệt, vẫn còn những khó khăn sau dịch như về địa chính trị cũng như xăng dầu, sự hỗn loạn, đứt gẫy trong chuỗi cung ứng dịch vụ của ngành du lịch.
Đối với trong nước, các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt lữ hành hàng không, đã kiệt quệ về lao động, tài chính và phải khôi phục lại toàn bộ. Thị trường du lịch sau dịch là thị trường mới hoàn toàn, an toàn hơn, nhanh và ít chạm hơn. Do đó, phải thay đổi toàn bộ cấu trúc của doanh nghiệp cũng như cấu trúc của cả ngành du lịch.
Ngành du lịch nói chung cũng như Vietravel đưa ra 3 chiến dịch: Rã đông, phục hồi, và phát triển. Sau rã đông là phục hồi. Trong giai đoạn phục hồi này, sức ép về tài chính rất lớn. Vietravel có đặc thù vừa là doanh nghiệp du lịch vừa là doanh nghiệp lữ hành, kinh doanh về vận chuyển hàng không nên sức ép tài chính rất lớn. Như vậy, Công ty vừa phải trả nợ cũ đến hạn, vừa phải chuẩn bị vốn đầu tư mới cho tái cấu trúc doanh nghiệp và xây dựng chuỗi cung ứng dịch vụ, vừa phải trả tiền ngay khi đặt dịch vụ để phục vụ khách. Mặc dù có những hỗ trợ của Chính phủ với người lao động nhưng quy mô rất nhỏ, không có tác động lớn đến sự thay đổi để phục hồi ngành du lịch.
Các gói hỗ trợ của Chính phủ không triển khai được đến doanh nghiệp bởi nhiều nguyên nhân, trong đó nổi bật là mức giảm VAT 2% quá ít, nên quay lại mức giảm là 5%; bởi du lịch có tính lan tỏa, tác động rất lớn, do đó chúng ta nên quan tâm và cho mức giảm cao hơn.
Các gói giãn và giảm về tài chính tác dụng quá ngắn, chủ yếu trong giai đoạn dịch - thời điểm thị trường chưa trở lại nên tác dụng không nhiều. Bên cạnh đó, với gói hỗ trợ 2%, hầu như các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp du lịch như chúng tôi không tiếp cận được đến thời điểm hiện tại bởi còn nhiều rào cản.
Ngoài ra, các ngân hàng đều yêu cầu muốn vay mới phải trả nợ cũ để bảo đảm an toàn và phải có tài sản thế chấp; nhưng thực tế tài sản trong 2 năm dịch đều thế chấp hết rồi. Doanh nghiệp lữ hành chủ yếu nhờ vào nhân lực, tri thức, thương hiệu, các yếu tố này không thế chấp được.
Vận chuyển, đặc biệt vận chuyển hàng không gặp nhiều khó khăn bởi giá nhiên liệu cao, nhiều thời điểm chiếm trên 60% chi phí, cơ cấu giá áp dụng về xăng dầu thường chậm sau 1 tháng; vì vậy các hãng bay - khi giá xăng dầu điều chỉnh - cũng không được hưởng ngay lập tức.
Về chính sách cho du lịch, đội ngũ lao động có kinh nghiệm và trình độ gần như phải xây dựng lại sau đại dịch vì đã chuyển dịch sang ngành nghề khác, nên thiếu hụt lao động có tay nghề.”
Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá thực chất, khách quan các tác động của tình hình kinh tế thế giới đến Việt Nam, cũng như thực trạng, khó khăn, thách thức cộng đồng doanh nghiệp đang đối mặt, kết quả đạt được và chưa đạt được trong triển khai chính sách, giải pháp của Chính phủ thời gian qua.
Trên cơ sở nhận diện thời cơ và thách thức, Chính phủ & Thủ tướng Chính phủ mong muốn lắng nghe các chia sẻ, đề xuất, sáng kiến của cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội để cùng tháo gỡ khó khăn, khắc phục những điểm nghẽn trong triển khai chính sách; đồng thời, hiến kế bổ sung các giải pháp trên tinh thần "lợi ích thì hài hoà, rủi ro thì chia sẻ"; góp phần phát triển kinh tế - xã hội nói chung, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, phát triển doanh nghiệp đúng hướng, lành mạnh, bền vững.
VIETRAVEL ACADEMY
|
|